V | E

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ ĐĂNG KÝ MÔI TRƯỜNG 2024

Đăng ký môi trường là thủ tục quan trọng liên quan đền các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Vậy đối tượng nào cần thực hiện? Quy trình ra sao? Cùng NGO tìm hiểu qua những thông tin dưới đây nhé!

1. Đối tượng nào phải đăng ký môi trường?

Căn cứ theo quy định tại Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường 2020, đối tượng phải đăng ký môi trường bao gồm:

- Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường;

- Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường.

Đối tượng được miễn đăng ký môi trường bao gồm:

- Dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh;

- Dự án đầu tư khi đi vào vận hành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải với khối lượng nhỏ, được xử lý bằng công trình xử lý tại chỗ hoặc được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương;

- Đối tượng khác.

2. Nội dung đăng ký môi trường

Căn cứ khoản 4 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nội dung đăng ký môi trường bao gồm: 

- Thông tin chung về dự án đầu tư, cơ sở;

- Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; công nghệ, công suất, sản phẩm; nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất sử dụng (nếu có);

- Loại và khối lượng chất thải phát sinh;

- Phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải theo quy định của pháp luật; 

- Cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

Trong quá trình hoạt động, nếu dự án đầu tư, cơ sở có thay đổi về nội dung đã đăng ký, chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm đăng ký môi trường lại trước khi thực hiện các thay đổi đó.

Trường hợp việc thay đổi quy định, tính chất của dự án đầu tư, cơ sở thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường hoặc phải có giấy phép môi trường, chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm thực hiện quy định về đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường theo Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Nội dung Đăng ký môi trường sẽ thực hiện theo Mẫu số 47 của Phụ lục II, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT

3. Cơ quan tiếp nhận Đăng ký môi trường

Căn cứ khoản 7, điều 49 Luật Bảo vệ môi trường 2020, cơ quan tiếp nhận và cấp Đăng ký môi trường là UBND cấp xã, cụ thể: 

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:

a) Tiếp nhận đăng ký môi trường;

b) Kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật;

c) Hướng dẫn và giải quyết kiến nghị về bảo vệ môi trường đối với nội dung đã được tổ chức, cá nhân đăng ký môi trường;

d) Cập nhật dữ liệu về đăng ký môi trường vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

Lưu ý: Đối với dự án đầu tư, cơ sở trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên, chủ dự án đầu tư, cơ sở được quyền chọn Ủy ban nhân dân cấp xã để đăng ký môi trường. (Khoản 3, điều 49, Luật BVMT)

Doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn và hoàn thiện thủ tục Đăng ký môi trường, vui lòng liên hệ NGO qua hotline 0969 867 924 hoặc 0969 867 925 để được tư vấn. 

Nguồn: NGO tổng hợp